GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 2
CUỐN SÁCH: “MÃI MÃI TUỔI 20”
Kính thưa quý thầy cô cùng các em học sinh thân mến!
Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã lùi xa hơn 30 năm. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại ấy có biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh để bảo vệ đất mẹ Việt Nam thân yêu, khi mà tuổi đời còn rất trẻ. Máu xương của các anh đã hoà vào non sông, đất nước, là những biểu tượng đẹp trong sáng đến nao lòng. Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh của các anh.
Hôm nay nhân dịp kỉ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cô xin trân trọng giới thiệu với các em cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc do nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu. Sách được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành - xuất bản năm 2020 cùng với nhật ký Đặng Thuỳ Trâm.
Cuốn sách gồm 337 trang, sau khi xuất bản, nó đã đông đảo độc giả khắp nơi trong nước háo hức đón nhận. Chúng ta hãy lắng nghe lời tâm sự của thủ tướng Phan Văn Khải sau khi đọc những trang nhật kí của liệt sĩ cũng như nhiều người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, tôi rất xúc động khi đọc nhật kí của hai liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc hai con người, hai cuộc đời hai tấm lòng biết bao đẹp đẽ, giản dị và cao cả, tràn đầy chất anh hùng lãng mạng, có sức truyền cảm sâu xa đến phần trong sáng của con người, như lời tâm sự, lời nhắn nhủ, và cả lời thức tỉnh…
Đúng vậy các em ạ! Có thể coi những trang nhật kí “Chuyện đời” là một cuộc trải nghiệm thực tiễn vô cùng gian khổ nhiều hi sinh nhưng lại tràn đày say mê và hấp dẫn của một thanh niên trí thức Hà Nội trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ trước.
Ngay trên trang bìa là gương mặt tuấn tú với nụ cười tươi sáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Ảnh chụp lúc anh vừa đạt giải nhất, học sinh giỏi môn văn lớp 10 toàn miền Bắc. Anh sinh ngày 14/10/1952 tại làng Bưởi - Hà Nội, trong một gia đình nghèo, dù vừa đi học vừa tranh thủ làm phụ giúp gia đình nhưng suốt 10 năm học Phổ thông anh đều đạt được học sinh giỏi toàn diện.
Anh học giỏi cả Văn và Toán và là sinh viên xuất sắc của khoa Toán cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh được ban tuyển sinh xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô nhưng đó cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go, ác liệt. Anh cũng như hàng ngàn sinh viên khác, tạm xếp bút nghiên cởi áo sinh viên khoác lên mình áo lính. Không có sự lựa chọn nào khác khi Tổ quốc lâm nguy.
Đó là ngày 6/9/1971 anh lên đường nhập ngũ. Sau 28 ngày nhập ngũ, anh đã ghi những dòng nhật kí đầu tiên. Từ đầu nhật kí theo bước chân anh lính binh nhì dày lên trong chặng đường hành quân của mình, cho đến cuối tháng 5/1972. Nghĩa là sau gần 7 tháng trời, vừa huấn luyện vừa hành quân vào mặt trận, mặc dù phải đi xa, đeo nặng, nhưng tranh thủ lúc nghỉ, ngày nghỉ… Anh đã viết được 240 trang sổ tay. Anh đã ghi chép rất kĩ lưỡng những điều mắt thấy, tai nghe. Anh trải lòng mình qua những chân thật hồn nhiên, tinh tế. Những rung động trước những vùng đất anh qua, những con người anh gặp…
Có rất nhiều chuyện vui nhưng cũng có cả chuyện buồn. Quan niệm của anh là “Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn, mất mát nhiều nhưng cố gắng luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng.”
Hay là sự rung động khoảnh khắc giao mùa của một tâm hồn nhạy cảm.“ Mùa đông chưa về đến đây. Mình yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xang trong lòng nhiều kì niệm. Cây sầu đông chưa mở ra những mối sầu cho mình. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên tà áo xanh của bầu trời nhắc mình như cái ngõ hẹp…”
Chúng ta còn bắt gặp ở đó, một tình yêu đôi lứa của chàng trai Hà Nội. Một tình yêu lí tưởng tiêu biểu cho thanh niên thời ấy. Quen nhau chỉ thời gian 4 tháng, số lần gặp nhau bằng số ngón của một bàn tay, nhưng chừng đó thôi cũng đủ để hình bóng tụ không phai mờ trong nhau. Cứ mỗi lần hành quân qua đây, lòng tôi lại nhớ em da diết màu tím hoa mua, chẳng phải chưa hề biết nhưng đến giờ tôi mới hiểu màu hoa. Có lẽ đó cũng là sức mạnh, là niềm tin, làm cho anh cảm thấy lạc quan trên đường hành quân vất vả hay giữa khốc liệt của chiến trường.
“Đêm chẳng bình yên mà yên lành thế
Quả bom lạnh lùng chúi theo dấu chân
Đường rất thơ là đường hành quân.
Bởi có em đường thành trẻ lại
Đường đánh giặc chẳng bao giờ dừng lại
Đến nơi nào anh cũng thấy em.”
Tình yêu ấy vượt thời gian và không gian chín lên trong tình cảm thương nhơ, mong ngóng, đợi chờ hi vọng của hai người. Một điều khiến ta không khỏi kinh ngạc là trong một số lá thư viết năm 1971 gửi cho cô bạn gái thân thiết của mình, anh đã dự cảm được ngày 30/4/1975.
Anh hẹn gặp chị và sẽ trả lời chính xác câu “Hạnh phúc là gì?”. Lời hẹn tiên tri ấy của anh đã ngân một nốt trầm lắng trong lòng người con gái anh yêu, trong lòng những người cùng thế hệ và đọng lại hôm nay một niềm bi tráng.
Ngày 30/4/1975 đã qua, nhưng anh và bao đồng đội đã không có mặt trong ngày chiến thắng của dân tộc. Anh đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị khi mà tuổi đời chưa đầy 20 và 10 tháng tuổi quân với “biết bao dự định còn dang dở”
Anh Thạc ơi! Nếu như có hồn, hi vọng ở thế giới bên kia, anh sẽ an lòng, vì nhật ký của anh cho dù anh chưa kịp sửa. “ Những âm bằng, âm trắc trong một cấu trúc một câu văn vội vàng và bụi bặm” thì người đọc “chuyện đời” của anh hôm nay càng yêu quý anh hơn.
Bởi ở đó ta không chỉ cảm nhận, khám phá được nhiều điều thú vị về cuộc sống và xã hội miền Bắc nước ta những năm 1966 – 1972, và còn hiểu được đời sống tâm tư tình cảm của thế hệ thanh niên, chiến sĩ thời ấy. Đến với “Mãi mãi tuổi 20” để biết thêm một con người, một cuộc đời “Ở một thời mà đến được với mọi thời”. Hơn thế nữa, tuổi trẻ chúng ta hôm nay được sống trong một đất nước độc lập tự do, nền độc lập tự do được đánh đổi không ít máu xương của các thế hệ cha anh đi trước. Vì vậy chúng ta phải biết quý trọng hơn cuộc sống mình đang có và hãy đóng góp phần mình viết tiếp những dòng mới, những dòng vui tươi của dân tộc như lời nhắn gửi mong ước của anh.
1. NGUYỄN VĂN THẠC Mãi mãi tuổi hai mươi: Nhật ký thời chiến Việt Nam/ Nguyễn Văn Thạc ; Đặng Vương Hưng s.t., giới thiệu.- Tái bản lần thứ 10, có bổ sung.- H.: Thanh niên, 2020.- 337tr.: ảnh; 21cm. ISBN: 9786049786860 Tóm tắt: Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe trong suốt chặng đường hành quân trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về những người dân nơi anh đóng quân, chuyện về những anh lính cùng đơn vị, những cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội, trung đoàn.... Chỉ số phân loại: 959.7043 NVT.MM 2020 Số ĐKCB: TN.01845, |
Các em hãy đến thư viện trường để được đọc cuốn nhật kí chiến trường quý giá này.
HIỆU TRƯỞNG NHÂN VIÊN THƯ VIỆN
Nguyễn Thị Thu Phương Trần Mỹ Yến