GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3
CUỐN SÁCH: “NHẬT KÝ ĐẶNG THUỲ TRÂM”
Kính thưa các thầy cô giáo! Cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Có rất nhiều câu chuyện đẹp về những anh hùng , liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, nhưng có một câu chuyện về một nữ bác sỹ- liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã thực sự gây xúc động cho bản thân em. Nhìn hình ảnh nữ bác sỹ giản dị với đôi mắt sáng ngời em không thể nào hình dung được về câu chuyện của cô đã kiên cường chống lại một đội quân của lính Mỹ đến phút giây cuối cùng mà không chút run sợ nào. Cuốn sách “ Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã cho em hiểu hơn về thế hệ cha ông , về một thời kỳ gian khổ, oanh liệt mà hào hùng, để em thêm trân trọng giá trị của hòa bình, biết ơn những anh hùng liệt sỹ và biết vượt qua khó khăn để sống có ý nghĩa hơn cho cuộc đời như bác sỹ đã viết: “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”.Em lớn lên trong hòa bình, được hưởng cuộc sống tự do và hạnh phúc, em chỉ biết chiến tranh qua môn học Lịch sử, qua những lời kể của ông bà em. Nhưng rồi khi đến Thư viện nhà trường, nhìn thấy cuốn sách “ Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, như có một sức hút kỳ lạ, em đã đọc từng chữ, từng câu trong trang nhật ký ấy. Em đã có cảm xúc đau đớn đến nghẹn lòng. Qua những trang Nhật Ký của Cô, em thấy được nổi đau của từng người lính và những gì họ phải chịu đựng. Họ còn mạnh mẽ hơn cả sắt đá. Sống trong khoảng thời gian đầy khó khăn nhưng họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống. Cùng với một hy vọng rực cháy. Ngày mai, một ngày mai nào đó Hòa Bình sẽ về.
Cô Thùy (Thùy Trâm) là một bác sĩ trẻ tuổi, sau khi tốt nghiệp trường TH Chu Văn An, đã tiếp tục theo học ở trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp đại học năm 1966, cô lại xung phong vào Nam phụ trách một bệnh viện huyện ở tận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Dù miền Bắc – nơi cô sinh ra và lớn lên thì: “Niềm vui đang rạng rỡ trên mười sáu triệu khuôn mặt nhưng trong nụ cười mỗi khuôn mặt ấy còn đọng một nét khổ đau.” Và cô cũng hiểu, đó là: “Vì Miền Nam, Miền Nam còn đau thương khói lửa, vì Miền Nam còn nặng những tiếng gầm gào của bầy quỷ dữ”. Đây chính là lí do khiến cô quyết tâm xa gia đình, xa người thân, xa Hà Nội yêu dấu, xa Miền Bắc thân thương để vào với Miền Nam khốc liệt, với một Miền Nam đang bom lửa từng giờ. Cuộc sống ở Đức Phổ - Quảng Ngãi thiếu thốn tình thương của người thân, nhưng bù lại, cô được đón nhận niềm vui từ nhiều phía khác. Cô vui vì những tình cảm đáng trân trọng mà những người anh em kết nghĩa dành cho cô. Cô vui vì đám học sinh của mình hăng say học tập và tìm tòi suy nghĩ…
Ở những trang đầu cuốn nhật ký, nữ bác sĩ, liệt sĩ đã ghi vào trong đó là dòng viết nổi tiếng được trích từ tác phẩm Thép tôi đã thế đấy! của đại văn hào Nikolai Ostrovsky thể hiện lý tưởng sống cao đẹp của thanh niên bấy giờ.
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.”
Thanh xuân Cô lưu giữ lại trong quyển nhật ký nhỏ. Cô không có nhiều thời gian viết Nhật ký hàng ngày. Cô bận với những ca mổ, sơ cứu thương binh. Rồi những lần chạy địch hay đến công tác ở những nơi mới. Nhưng không khi nào Cô quên mang theo. Xuyên suốt cuốn Nhật Ký. Là những lời tâm sự thật lòng. Nó không hề khô khan. Trong đó chứa đựng những thứ tình cảm thường nhật trong đó có tình yêu đôi lứa. Và rồi cuối cùng cũng như bao người, Cô khao khát có được một mái ấm. Khao khát được trở về bên cạnh những người Cô yêu thương. Trang cuối cùng cô viết: “nhưng sao lúc này đây mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt”
Em đọc đến trang nào lòng em cũng quặn lên nỗi tiếc thương vô hạn, em như thấy cô Thùy đang ở đây, rất gần và mỉm cười. Nụ cười hiền hậu nhưng kiên cường. Đôi mắt dịu dàng nhưng rực lửa của ý chí, của tinh thần kiên cường , bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Độc lập, tự do của Đất nước.
Điều thu hút trong Nhật Ký không phải là tài năng văn chương. Mà thu hút chúng ta bằng hiện thực. Bằng tình yêu Đất Nước cùng sự hy sinh thầm lặng của những người lính trẻ. Không chỉ ở Việt Nam cuốn sách đã được xuất bản sang nhiều nước. Nó truyền đi cái lửa trong những người trẻ thời ấy. Tự hào biết bao về truyền thống yêu nước, giữ nước. Đặc biệt là của những người phụ nữ nhỏ bé nhưng có sức mạnh phi thường.
Nhật ký kết thúc vào ngày 20.6.70 . Đây là trang cuối cùng cô viết. Hai ngày sau Cô hy sinh…. Lúc ấy Cô vừa 27 tuổi. Khi ngồi viết ra những dòng này em vẫn cảm thấy những luồng cảm xúc kỳ lạ chuyển động trong cơ thể. Cô đã hy sinh cùng với biết bao người, ngã xuống vì Đất Nước. Chưa một lần run sợ, chưa một lần trốn chạy. Họ những người lính đã quên thân mình nằm xuống để giữ lấy sựu bình yên. Một lần nữa xin cảm ơn! Cảm ơn những gì mà các Bác, các Cô đã hy sinh để có được. Nhìn xem hôm nay trời rất đẹp, Đất Nước mình cũng đã không còn nghe tiếng mưa bom, bão đạn… Đã qua rồi những ngày tháng chiến đấu đầy đau thương.
Gấp trang sách lại, lòng em mãi bâng khuâng. Trước mắt em như tái hiện lại cuộc sống của cô Thùy Trâm. Thương xót cho cô, tuổi đời còn trẻ với bao nhiêu ước mơ, hoài bão và khát vọng được trở về trong vòng tay mẹ chưa kịp thực hiện thì đã ngã xuống dưới nòng súng của lính Mỹ. Cảm ơn Cô và những người lính như Cô đã hy sinh cho chúng cháu hôm nay được sống trong hòa bình.
1. ĐẶNG THUỲ TRÂM Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm/ Đặng Thuỳ Trâm; Đặng Kim Trâm: Chỉnh lý; Vương Trí Nhàn: Giới thiệu.- Hà Nội: Hội nhà văn, 2023.- 290tr: ảnh; 21cm. ISBN: 9786043913460 Chỉ số phân loại: 959.7043 DTT.NK 2023 Số ĐKCB: TN.01846, |
Em hy vọng tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những học sinh như chúng em, các bạn hãy một lần tìm đọc cuốn sách để thấm thía hơn những hy sinh của cha ông, để cảm nhận sâu sắc những mất mà họ đã phải chịu đựng, để biết ơn họ. Từ đó mỗi chúng ta sẽ xác định được đúng đắn mục tiêu cho chính cuộc đời
mình, để sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc dựng xây đất nước hôm nay và mai sau.
HIỆU TRƯỞNG NHÂN VIÊN THƯ VIỆN
Nguyễn Thị Thu Phương Trần Mỹ Yến